Hợp tác xã là nhân tố quan trọng trong phát triển nông nghiệp Ninh Sơn

Vnbusiness 19/08/2024
Nông nghiệp công nghệ cao được xác định là hướng đi quan trọng, với một số hợp tác xã đã đầu tư và phát triển hiệu quả.

Tại Hội thảo tham vấn ý kiến Đề án định hướng phát triển sản xuất nông nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 - huyện Ninh Sơn (Ninh Thuận) tổ chức ngày 16/8, các chuyên gia cho rằng, một trong những giải pháp định hướng phát triển nông nghiệp của huyện là cần tập trung tạo điều kiện phát triển các chuỗi liên kết thông qua mô hình kinh tế tập thể, hợp tác xã (HTX).

Ông Kiều Tấn Thịnh, Chủ tịch UBND huyện Ninh Sơn, cho biết huyện xác định chỉ có làm công nghệ cao mới là bước đột phá để tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng gia tăng giá trị, ổn định tiêu thụ nông sản, nâng cao thu nhập cho nông dân, hướng đến về đích huyện nông thôn mới trước năm 2025.

Đến nay, số đơn vị phát triển nông nghiệp công nghệ cao của huyện đã tăng 2,3 lần so với năm 2020. Nông nghiệp công nghệ cao cho giá trị sản xuất trên 1ha canh tác bình quân trên 500 triệu đồng, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động nông thôn với thu nhập trên 5 triệu đồng/người/tháng.

Hiện, ngoài một số doanh nghiệp tự sản xuất nông nghiệp công nghệ cao và kết hợp với HTX thì một số HTX trên địa bàn huyện Ninh Sơn cũng đã chủ động đầu tư làm nông nghiệp công nghệ cao khá hiệu quả.

Hợp tác xã là nhân tố quan trọng trong phát triển nông nghiệp Ninh Sơn
Nông nghiệp công nghệ cao được xác định là hướng đi quan trọng trong tái cơ cấu nông nghiệp của huyện Ninh Sơn.

Tiêu biểu như HTX Tương Lai Xanh (xã Lâm Sơn) sản xuất dưa lê Bạch Ngọc và dưa lê Hàn Quốc khép kín trong nhà lưới chuyên dụng, sử dụng công nghệ tưới nước, bón phân tự động, hệ thống cắt nắng, giảm nhiệt, điều chỉnh ánh sáng, hệ thống điều hòa… tạo ra môi trường thuận lợi nhất cho cây dưa phát triển. HTX đang phát triển trên quy mô 20 ha và đầu tư xây dựng xưởng chế biến các sản phẩm dưa sấy dẻo, sấy giòn, nước ép...

Theo thống kê, toàn huyện Ninh Sơn hiện 12 HTX, trong đó có 10 HTX nông nghiệp, cho thấy thế mạnh của huyện chính là phát triển nông nghiệp. Tuy nhiên, làm sao để phát triển được nông nghiệp công nghệ cao thuận lợi và rộng rãi hơn nữa là một vấn đề không hề đơn giản bởi theo đánh giá của Phòng NN&PTNT huyện Ninh Sơn, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp đối với người dân, HTX đang là bài toán khó bởi chi phí đầu tư ban đầu tương đối lớn.

Các chuyên gia cho rằng, để giải quyết bài toán chi phí trong đầu tư ứng dụng công nghệ cao trước tiên cần nhìn từ những mô hình nông nghiệp công nghệ cao thành công của doanh nghiệp, HTX tiên phong trên địa bàn để nhân rộng, bởi những mô hình này đã góp phần thay đổi tư duy sản xuất của người dân, giúp họ từng bước mạnh dạn đầu tư, hình thành các mô hình chuyển đổi cây trồng, áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, mở ra hướng đi mới trong sản xuất...

Và từ hiệu quả sản xuất nông nghiệp công nghệ cao của một số HTX cho thấy, nếu phát triển đúng hướng, mô hình kinh tế tập thể, HTX sẽ là động lực thúc đẩy quá trình xây dựng nông thôn mới tại các địa phương. Bởi các HTX sẽ phát huy được vai trò tập hợp, vận động, thay đổi cách nghĩ, cách làm, ứng dụng hiệu quả các tiến bộ khoa học kỹ thuật, từ đó từng bước nâng cao thu nhập cho người dân, thành viên. HTX cũng thực hiện tốt việc liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp, tạo đầu ra ổn định cho các sản phẩm nông nghiệp.

Song song đó, HTX hoạt động hiệu quả sẽ giúp các địa phương hoàn thành một tiêu chí quan trọng trong xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch Hiệp hội Rau Quả Việt Nam, nguyên Tổng Giám đốc Tổng công ty Rau quả, Nông sản Việt Nam, cho biết tình trạng nông sản chung hiện nay còn tồn tại vấn đề về mặt chất lượng, nên áp dụng công nghệ cao sẽ giúp giám sát việc trồng, chế biến, bảo quản, thực hiện đúng quy định thị trường hơn.

Tuy nhiên, bài toán đặt ra là để mở rộng cơ hội trong sản xuất và tiêu thụ, Ninh Sơn cần đẩy mạnh thu hút doanh nghiệp về liên kết với HTX. Trong mối liên kết này, cần chú trọng vào việc tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về chất lượng và đẩy mạnh chế biến sâu để nâng cao giá trị nông sản.

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh phát triển hệ thống giao thông, các hoạt động xúc tiến tiêu thụ nông sản, đa dạng hóa hệ thống kênh phân phối, tiêu thụ, trong đó ưu tiên phát triển thương mại điện tử để nâng cao hiệu quả sản xuất, tiêu thụ nông sản.

Ts Phan Thị Thu Hiền, Giám đốc Trung tâm kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu, cho rằng sản xuất nông nghiệp đang chuyển dịch theo chiều sâu, nâng cao giá trị, nhất là định hướng sang xuất khẩu. Do đó, ngành nông nghiệp ở Ninh Sơn cần chú trọng vào việc xây dựng mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói nhằm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, hạn chế tình trạng nông sản bị trả về.

Ông Kiều Tấn Thịnh cho biết, để thúc đẩy phát triển nông nghiệp công nghệ cao cũng như nâng cao giá trị cho ngành nông nghiệp, huyện tiếp tục lồng ghép, thực hiện Chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, HTX trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2021-2025 theo Quyết định số 729/QĐ-UBND ngày 11/11/2021 của UBND tỉnh và Đề án nhân rộng HTX kiểu mẫu. Trong đó, ưu tiên hỗ trợ xây dựng và nhân rộng các mô hình HTX nông nghiệp điển hình, các HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao liên kết theo chuỗi giá trị trên địa bàn huyện Ninh Sơn. Từ đây sẽ là nền tảng để thu hút khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

Huyện cũng sẽ tiếp tục củng cố và phát triển các loại hình kinh tế tập thể, trong đó duy trì hoạt động hiệu quả các HTX, tổ hợp tác, ưu tiên vận động, thành lập HTX mới; khuyến khích phát triển kinh tế hộ, trang trại, doanh nghiệp vừa và nhỏ ở nông thôn.

Vnbusiness