Ninh Thuận: Hành trình 10 năm xây dựng và phát triển văn hóa, con người toàn diện

Yêu Ninh Thuận 08/05/2024
Ninh Thuận tập trung xây dựng văn hóa, con người phát triển toàn diện đáp ứng yêu cầu hội nhập, phát triển.

Sau 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước (Nghị quyết 33) trong bối cảnh mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng đã đạt được nhiều kết quả tích cực và tiến bộ trên nhiều mặt.

Ninh Thuận: Hành trình 10 năm xây dựng và phát triển văn hóa, con người toàn diện
Lễ đón bằng của UNECO ghi danh nghệ thuật làm gốm của người Chăm vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp và khai mạc Lễ hội Nho - Vang Ninh Thuận năm 2023.

Ngay sau khi có Nghị quyết 33-NQ/TW, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành kế hoạch số 78-KH/TU về quán triệt, học tập, tuyên truyền và tổ chức thực hiện nghị quyết; kết quả trong toàn tỉnh đã tổ chức được 210 lớp học tập, quán triệt nghị quyết, với trên 94% cán bộ, đảng viên, công chức, quần chúng cốt cán tham gia; đồng thời tổ chức tuyên truyền sâu rộng đến quần chúng nhân dân bằng nhiều hình thức phóng phú, đa dạng và phù hợp với đối tượng. Thông qua công tác quán triệt, tuyên truyền đã tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức của cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên và Nhân dân về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của văn hóa đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Nhằm cụ thể hóa Nghị quyết 33 của Trung ương, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình hành động số 282-CTr/TU với các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp cụ thể phù hợp với tình hình hình thực tiễn của tỉnh. Trên cơ sở đó, các cấp ủy đảng, chính quyền đã bám sát Chương trình hành động của Ban Thường vụ Tỉnh ủy để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai kế thừa, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, của quê hương, xây dựng văn hóa con người Ninh Thuận có tinh thần khát vọng, ý thức tự trọng, tự chủ, sống và làm việc theo Hiến pháp, pháp luật, có tinh thần trách nhiệm đối với bản thân, gia đình và xã hội; thực hiện tốt mục tiêu xây dựng con người ngày càng phát triển toàn diện, hướng tới chân - thiện - mỹ; góp phần quan trọng trong xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Kết quả đạt được sau 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 33, hầu hết các chỉ tiêu đề ra cho từng giai đoạn đều đạt và vượt kế hoạch. Công tác xây dựng con người Ninh Thuận phát triển toàn diện luôn được các cấp, các ngành quan tâm triển khai thực hiện, đạt nhiều kết quả quan trọng. Trình độ đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động được quan tâm nâng chất lượng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị; cụ thể 10 năm qua đã có 876 đồng chí được đào tạo trình độ cao cấp lý luận chính trị, 2.463 đồng chí đào tạo trung cấp lý luận chính trị; chuyên môn nghiệp vụ đã cử 21 cán bộ, công chức đào tạo theo Đề án 165, 25 nghiên cứu sinh, 256 đào tạo cao học… Công tác xây dựng đội ngũ công nhân lao động phát triển toàn diện được được quan tâm thông qua công tác phát triển, nâng chất lượng tổ chức công đoàn các cấp, đã thành lập mới 176 công đoàn cơ sở, phát triển mới 8.237 đoàn viên, nâng tổng số công đoàn cơ sở toàn tỉnh lên 712 đơn vị, với 34.910 đoàn viên; công đoàn các cấp đã tổ chức phát động phong trào thi đua yêu nước với nhiều hình thức phù hợp, qua đó đã góp phần cải cách hành chính, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.

Công tác giáo dục - đào tạo được chú trọng, nâng chất lượng giáo dục toàn diện; mạng lưới trường lớp học và đội ngũ cán bộ, quản lý, giáo viên được quy hoạch, sắp xếp, kiện toàn phù hợp với hệ thống giáo dục quốc dân và tình hình thực tiễn của tỉnh; đến nay toàn tỉnh đã có 116/216 trường phổ thông đạt chuẩn quốc gia, 25/88 trường mầm non đạt chuẩn quốc gia; đội ngũ nhà giáo cơ bản đáp ứng về số lượng, đạt chuẩn về trình độ và đảm bảo về phẩm chất, năng lực; cơ cấu giáo viên tương đối phù hợp; tỷ lệ giáo viên mầm non đạt chuẩn 94,15%, trên chuẩn 68,34%; tiểu học đạt chuẩn 91,55%, trên chuẩn 0,03%; trung học cơ sở đạt chuẩn 89,62%, trên chuẩn 0,59%; THPT đạt chuẩn 100%, trên chuẩn 14,77%. Nội dung giáo dục địa phương, giáo dục lịch sử, thẩm mỹ, kỹ năng sống được đưa vào chương trình giảng dạy, qua đó giáo dục thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên yêu cái đẹp, có lối sống đẹp, hành vi ứng xử văn hóa, góp phần nâng cao nhận thức về giá truyền thống lịch sử, văn hóa, nhân cách sống đối với thế hệ trẻ. Cùng với đó phong trào khuyến học, khuyến tài trong gia đình, dòng họ, cộng đồng được quan tâm thực hiện, phát triển rộng khắp, có tác động tích cực đến đời sống văn hóa ở cơ sở, cổ vũ các phong trào thi đua yêu nước trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

Thực hiện nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe Nhân dân được các cấp ủy, chính quyền chú trọng; tính đến ngày 31/12/2023, toàn tỉnh có 96,9% xã, phường đạt tiêu chuẩn quốc gia về y tế; 31,2 giường bệnh/vạn dân, tỷ lệ bác sĩ đạt 10,6 bác sĩ/vạn dân, 94,9% trạm y tế xã, phường có bác sĩ; tỷ lệ tiêm chũng vắc xin hằng năm cho trẻ đạt trên 95%, tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em giảm còn 12,1%. Phong trào toàn dân rèn luyện thể dục thể thao theo gương Bác Hồ vĩ đại được đẩy mạnh thực hiện, đên nay đã có 36% dân số tập luyện thể dục thể dục - thể thao thường xuyên, tăng 11,5% so với năm 2015.

Đẩy mạnh triển khai Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Kết quả các phong trào, cuộc vận động toàn tỉnh đến nay đã xây dựng được 395 thôn, khu phố văn hóa, chiếm tỷ lệ 99,5%, có 02 huyện đạt chuẩn nông thôn mới (huyện Ninh Hải và huyện Ninh Phước); 33/47 (70,2%) xã văn hóa nông thôn mới, trong đó 12 xã đạt nông thôn mới nâng cao, 12/18 (66/7%) phường, thị trấn đạt văn minh đô thị, 553/571 (96,8%) cơ quan, đơn vị đạt chuẩn về văn hóa; 162.754/172.774 (94,2%) gia đình văn hóa.

Môi trường văn hóa từng bước được cải thiện, các thiết chế văn hóa đã và đang được quan tâm đầu tư, 7/7 huyện thành phố có Trung tâm Văn hóa, Thể thao và truyền thanh (huyện Thuận Nam đang đầu tư xây dựng); 24/65 xã, phường, thị trấn được đầu tư xây dựng trung tâm Văn hóa - Thể thao. Hệ thống thư viện, phòng đọc từ cơ sở đến tỉnh cơ bản đáp ứng nhu cầu đọc của các tầng lớp nhân dân. Các hủ tục lạc hậu từng bước được hạn chế và xóa bỏ. Văn hóa trong sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo được khuyến khích.

Công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa, lịch sử trên địa bàn tỉnh được quan tâm và đạt được những kết quả quan trọng, nhất là phục vụ cho công tác phát triển du lịch, dịch vụ, giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa cho thế hệ trẻ. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị 14-CT/TU về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể trên địa bàn tỉnh. Tính đến ngày 31/12/2023, trên địa bàn tỉnh đã có 239 di sản văn hóa, di tích lịch sử, thắng cảnh được công nhận và xếp hạng; trong đó, UNESCO công nhận Núi Chúa là Khu dữ trữ sinh quyền thế giới và Nghệ thuật làm gốm của người Chăm vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp; 02 di tích quốc gia đặc biệt là tháp Hòa Lai và tháp Po Klong Grai; Vịnh Vĩnh Hy được xếp hạng Di tích Quốc gia danh lam thắng cảnh; Ninh Thuận là 1 trong 21 tỉnh có Nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Quan tâm duy trì và phát triển hệ thống các lễ hội, phong tục, tập quán, nghề thủ công truyền thống, văn hóa, nghệ thuật dân gian của cộng đồng các dân tộc, như: Lễ hội Katê, Ramưwan, nghệ thuật làm gốm truyền thống, dệt thổ cẩm; Lễ Bỏ mả với nghệ thuật trình diễn mã la của người Raglai; Lễ hội cầu ngư của ngư dân người Kinh vùng ven biển; Cụm lễ hội đầu năm người Chăm làng Bỉnh Nghĩa, xã Bắc Phong, huyện Thuận Bắc; Lễ Ăn mừng lúa mới của người Raglai xã Phước Hà, huyện Thuận Nam; đây là những vốn quý về di sản văn hóa, tô đậm thêm bức tranh toàn cảnh văn hóa nhiều sắc màu tỉnh Ninh Thuận. Nhiều công trình nghiên cứu về văn hóa, lịch sử có chất lượng, được đánh giá cao khi đưa vào thực tiễn. Hoạt động giao lưu, hợp tác trên lĩnh vực văn hóa với một số nước từng bước phát triển.

Các hoạt động văn hóa nghệ thuật, triển lãm tranh, ảnh nghệ thuật được tổ chức nhân các sự kiện chính trị trọng đại, các ngày lễ lớn của địa phương và đất nước; các hội thi, hội diễn, liên hoan nghệ thuật quần chúng được tổ chức thường xuyên thu hút đông đảo quần chúng Nhân dân tham gia. Nhiều chương trình, sản phẩm, hoạt động văn hóa được hình thành và phát triển góp phần đáp ứng nhu cầu đời sống văn hóa tinh thần của Nhân dân trong tỉnh.

Ninh Thuận: Hành trình 10 năm xây dựng và phát triển văn hóa, con người toàn diện
Phố đi bộ tại thành phố Phan Rang - Tháp Chàm.

Cùng với đó, tỉnh tiếp tục chỉ đạo nghiên cứu, biên soạn sách chữ Chăm, chữ Raglai đưa vào giảng dạy tại các địa phương có đồng bào dân tộc Chăm, Raglai sinh sống; đào tạo bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ, công chức đang công tác tại vùng đồng bào dân tộc Chăm, Raglai. Quan tâm xây dựng lịch sử, địa chí của địa phương; đang trong quá trình biên soạn thực hiện đề tài “Địa chí Ninh Thuận”.

Bên cạnh kết quả đã đạt được, vẫn còn có những hạn chế, khó khăn đã được chỉ ra tại Hội nghị Tỉnh ủy tổng kết 10 triển khai thực hiện Nghị quyết 33.

Ninh Thuận: Hành trình 10 năm xây dựng và phát triển văn hóa, con người toàn diện
Đồng chí Phạm Văn Hậu - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu kết luận Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 33. Ảnh: Báo Ninh Thuận.

Trong thời gian tới, với những thời cơ, thuận lợi và những thách thức, khó khăn đối với phát triển văn hóa con người Ninh Thuận toàn diện - đáp ứng yêu cầu hội nhập, phát triển đòi hỏi các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong tỉnh tiếp tục phát huy những những kết quả đã đạt được, khắc phục những hạn chế, khó khăn, tiếp tục ra sức thi đua thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ và giải pháp đã đề ra; quyết tâm xây dựng con người Ninh Thuận phát triển toàn diện, có sức khỏe, đạo đức, nhân cách và lối sống đẹp, hướng đến chân - thiện - mỹ; có tinh thần yêu quê hương, đất nước, ý chí tự lực, tự cường, trung thực, đoàn kết, sáng tạo, tự trọng, dám nghĩ, dám làm, khát vọng vươn lên vì sự phát triển của quê hương; góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV đã đề ra. Quyết tâm xây dựng Ninh Thuận đến năm 2030, trở thành tỉnh có mức thu nhập bình quân thuộc nhóm trung bình cao của cả nước; đến năm 2045, trở thành tỉnh phát triển toàn diện, có thu nhập cao.