Cảnh giác với chiêu trò 'chuyển tiền nhầm' vào tài khoản

text 12/02/2022
Hàng loạt các chiêu thức tinh vi, lừa đảo chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng tiếp tục diễn biến phức tạp sau Tết Nguyên đán.

Ngân hàng cảnh báo

Liên tục trong thời gian gần đây, các ngân hàng thường xuyên phát đi cảnh báo tới khách hàng về hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tiền trong tài khoản. Đồng thời, phía các ngân hàng cũng ghi nhận nhiều chiêu thức mới, tinh vi mà các đối tượng sử dụng với mục đích đánh cắp thông tin cá nhân, tài khoản thanh toán của người dùng.

Mới đây, ngân hàng TPBank cho biết một trong những thủ đoạn mới được kẻ gian sử dụng để lừa đảo, chiếm đoạt tiền là mạo danh nhân viên ngân hàng mời rút tiền từ thẻ tín dụng.

Theo đó, đối tượng sẽ gọi điện, nhắn tin mời chào dịch vụ rút tiền mặt từ thẻ tín dụng, dễ dàng đáo hạn hằng tháng hoặc chuyển trả góp với phí, lãi suất thấp hơn để lôi kéo khách hàng.

Sau khi khách hàng đồng ý, đối tượng yêu cầu chủ thẻ cung cấp thông tin của thẻ, bao gồm số thẻ, mã CVV, ảnh chứng minh nhân dân/căn cước công dân... Thậm chí, kẻ gian còn tạo niềm tin cho khách hàng bằng cách yêu cầu che đi mã CVV trước khi cung cấp thông tin. Kẻ gian sau đó yêu cầu khách hàng gửi mã hợp đồng gửi đến số điện thoại (thực chất là mã OTP của giao dịch trừ tiền từ thẻ tín dụng).

Sau giao dịch, có trường hợp khách hàng nhận được tiền chuyển khoản đến nhưng số tiền ít hơn nhiều so với số tiền đã ghi nợ trên thẻ tín dụng trước đó. Thậm chí, có trường hợp, kẻ gian sử dụng thẻ để thực hiện các giao dịch trái phép và chiếm đoạt toàn bộ hạn mức thẻ.

Bên cạnh hình thức lừa đảo này, TPBank cho biết thời gian gần đây cũng xuất hiện thêm chiêu lừa đảo thông qua việc mời nâng cấp SIM. Với hình thức lừa đảo này, đối tượng lừa đảo sẽ giả danh nhân viên nhà mạng, gọi đến thông báo hỗ trợ khách hàng nâng cấp SIM điện thoại từ 4G lên 5G kèm theo nhiều tiện ích, quà tặng, thưởng. Nếu đồng ý và làm theo hướng dẫn, kẻ gian sẽ chiếm quyền sử dụng SIM điện thoại của khách hàng.

Ngay sau đó, đối tượng sẽ thực hiện đổi mật khẩu email cá nhân, liên hệ nhà mạng viễn thông để truy vấn số CMND. Do có quyền kiểm soát cả email và điện thoại, có số CMND, kẻ gian gọi lên tổng đài để cấp lại tài khoản và mật khẩu đăng nhập Internet banking, từ đó chiếm đoạt tiền.

Chiêu trò “chuyển tiền nhầm” vào tài khoản diễn biến phức tạp sau Tết Nguyên đán. Ảnh minh họa: TTXVN

Chiêu trò "chuyển tiền nhầm"

Mới đây, phản ánh đến cơ quan công an, chị V.A. (trú tại quận Ba Đình, TP.Hà Nội) cho biết, bỗng nhiên nhận được hơn 45 triệu đồng chuyển vào tài khoản ngân hàng với nội dung đính kèm khó hiểu. Vào chiều cùng ngày, một tài khoản zalo lạ kết bạn với chị A. và nói rằng, công ty tài chính đã giải ngân số tiền của chị.

Điều này đồng nghĩa, chị V.A bỗng dưng trở thành một con nợ. Ngay sau khi biết được hành vi của các đối tượng, chị V.A đã trình báo đến cơ quan công an.

Hay như gần đây cũng có trường hợp giả vờ "chuyển tiền nhầm" sau đó yêu cầu nạn nhân đăng nhập vào dịch vụ chuyển tiền quốc tế qua một đường link. Sau khi điền xong các thông tin, toàn bộ số tiền sẽ bị các đối tượng xấu chiếm đoạt.

Theo Đại tá Hoàng Ngọc Bách - Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an), những đối tượng sử dụng chiêu thức trên thường nhắm vào người nhẹ dạ cả tin. Người nhận tiền chuyển khoản nhầm tuyệt đối không được sử dụng khoản tiền này. Cần trình báo lên cơ quan công an để kịp thời điều tra, xử lý.

Một chiêu thức khác đó là các đối tượng lập ra trang web giả mạo ngân hàng. Sau đó tìm kiếm những trường hợp khách hàng nhận được chuyển tiền nhầm, đang có nhu cầu trả lại tiền rồi đóng giả nhân viên ngân hàng hỗ trợ khắc phục sự cố, gửi đường link đăng nhập vào trang web giả mạo. Sau khi bị hại khai báo, các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt thông tin cá nhân và chiếm đoạt tiền trong tài khoản.

Luật sư La Văn Thái (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho biết, trường hợp chuyển nhầm tiền vào tài khoản do nhầm lẫn bình thường, người chuyển tiền chỉ cần liên hệ với ngân hàng nơi vừa chuyển, cung cấp các giấy tờ xác thực liên quan. Đại diện ngân hàng sẽ liên hệ với chi nhánh ngân hàng nơi tài khoản được chuyển đến để chi nhánh này liên hệ với chủ tài khoản và yêu cầu hỗ trợ chuyển trả lại.

Việc xác nhận chuyển trả tiền cũng giúp ngân hàng bảo vệ quyền lợi của khách hàng, tránh không vi phạm Điều 176 - Bộ luật Hình sự về tội cố ý chiếm giữ trái phép tài sản bị chuyển nhầm.

Trao đổi với phóng viên, chuyên gia bảo mật Ngô Minh Hiếu (Trung tâm giám sát an toàn không gian mạng quốc gia) cho rằng, để đảm bảo an toàn thông tin cá nhân, tài sản cá nhân trên môi trường mạng, người dân nên bình tĩnh, tỉnh táo, luôn cân nhắc trước khi click vào bất kỳ link nào; thiết lập an toàn cho các loại tài khoản bằng cách đặt mật khẩu đủ khó đủ dài, sử dụng bảo mật 2 lớp gửi đến tin nhắn điện thoại hoặc tốt hơn là qua Google Authenticator, email, mã OTP...; gọi điện thoại tới tổ chức, công ty, hay ngân hàng mà bạn đang sử dụng khi nhận được bất kỳ tin nhắn nào khả nghi và không rõ để có thể giúp xác nhận thông tin.

ĐÌNH TRƯỜNG

text