Ảnh minh họa. |
Theo đó, dự án điện gió ven biển V1 thuộc vùng biển của huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận có diện tích khảo sát khoảng 1.060,09ha, công suất dự kiến phát triển khoảng 200 MW.
Dự án điện gió ven biển V3 thuộc vùng biển của huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận có diện tích khảo sát khoảng 912,74ha, công suất khoảng 180MW.
Sở Kế hoạch và Đầu tư yêu cầu về năng lực năng lực tài chính cụ thể, nhà đầu tư có tài liệu chứng minh năng lực tài chính theo số vốn đăng ký đầu tư.
Đối với nguồn vốn tự có, vốn thuộc sở hữu của nhà đầu tư để thực hiện dự án không thấp hơn 20% tổng mức đầu tư đề xuất (chứng minh bằng báo cáo tài chính được kiểm toán/quyết toán thuế 2 năm gần nhất hoặc xác nhận số dư tài khoản ngân hàng tại thời điểm nộp hồ sơ); trường hợp Nhà đầu tư liên doanh thì tỷ lệ vốn thuộc sở hữu của các thành viên Liên doanh không được thấp hơn 30% vốn góp của Liên doanh để thực hiện dự án. Ưu tiên lựa chọn nhà đầu tư có vốn tự có chiếm tỷ lệ cao hơn.
Đối với năng lực kinh nghiệm, Sở Kế hoạch và Đầu tư yêu cầu nhà đầu tư tham gia đầu tư trực tiếp hoặc nhà đầu tư là thành viên trong liên doanh phải có năng lực kinh nghiệm phù hợp để triển khai dự án, được chứng minh bằng tài liệu đã đầu tư các dự án năng lượng tái tạo có tổng quy mô tương đương 70% trở lên so với công suất dự án đăng ký. Ưu tiên lựa chọn nhà đầu tư có kinh nghiệm triển khai các dự án năng lượng tái tạo có quy mô cao hơn.
Nhà đầu tư phải cam kết chịu mọi chi phí liên quan trong quá trình nghiên cứu, khảo sát lập hồ sơ bổ sung quy hoạch và không khiếu nại tỉnh trong trường hợp dự án không được bổ sung quy hoạch phát triển điện lực.
Chấp thuận sau khi dự án được bổ sung quy hoạch sẽ thực hiện việc lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của pháp luật về đấu thầu, đấu giá, pháp luật về đầu tư.
Dự án đề xuất không ảnh hưởng đến an ninh, quốc phòng; đảm bảo an toàn môi trường. Đặc biệt, đóng góp an sinh xã hội nhiều hơn trên địa bàn tỉnh.
Các tiêu chí nêu trên là cơ sở để lựa chọn nhà đầu tư thực hiện khảo sát, lập hồ sơ bổ sung quy hoạch các dự án điện gió ven biển trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận, nhằm tạo môi trường công khai, minh bạch, bình đẳng và thuận lợi nhất để các nhà đầu tư thực hiện thủ tục đầu tư vào Ninh Thuận. Ở giai đoạn nghiên cứu khảo sát, các hồ sơ đăng ký dự án phải đáp ứng được các tiêu chí nêu trên.
Trường hợp trên cùng một địa điểm có từ 2 nhà đầu tư đăng ký trở lên thì tổ chức xét chọn nhà đầu tư, ưu tiên lựa chọn nhà đầu tư đáp ứng các tiêu chí ở mức độ cao hơn.
Theo thống kê, năm 2020, Ninh Thuận có 42 dự án năng lượng đã hòa lưới điện (3 dự án điện gió, 32 dự án mặt trời, 7 dự án thủy điện), với sản lượng khoảng 4.000 triệu kWh/2.727,6MW. Các nguồn năng lượng này tạo ra giá trị gia tăng hơn 2.766 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 13,7% trong GRDP của tỉnh và đóng góp cho tăng trưởng chung 9,04% trong tổng số 12,17% GRDP của tỉnh.
Đối với điện gió, đến nay tổng công suất đưa vào vận hành khoảng 229MW. Trong đó, có 3 dự án vận hành thương mại với tổng công suất 181 MW.