Khánh Hòa và Ninh Thuận sáp nhập thành tỉnh mới, đặt mục tiêu tăng trưởng GRDP hai con số, hướng tới thành phố trực thuộc Trung ương năm 2030.
Ngày 1/7/2025, đánh dấu bước ngoặt lịch sử khi hai tỉnh Khánh Hòa và Ninh Thuận chính thức sáp nhập, hình thành một đơn vị hành chính mới – tỉnh Khánh Hòa mở rộng. Sự kiện này không chỉ là tái cấu trúc địa giới hành chính, mà còn mở ra không gian phát triển rộng lớn, tạo động lực để địa phương bước vào một giai đoạn phát triển mới mạnh mẽ, toàn diện và bền vững hơn.
![]() |
Bãi biển Bình Sơn - Ninh Chử. |
Những tín hiệu khả quan trong 6 tháng đầu năm
Trước thời điểm sáp nhập, cả hai tỉnh đều ghi nhận những kết quả kinh tế tích cực. Tại Khánh Hòa cũ, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước tăng 7,01%; tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt hơn 37.400 tỷ đồng, tăng 15,5%; thu ngân sách đạt gần 14.752 tỷ đồng, tăng 54,9% so với cùng kỳ. Trong đó, thu nội địa tăng mạnh đến 80,3% – phản ánh sức khỏe tài chính và hiệu quả trong công tác quản lý thu.
Hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại và kích cầu du lịch được triển khai đồng bộ, tạo đà tăng trưởng cho các ngành dịch vụ. Nhiều lễ hội, sự kiện du lịch lớn được tổ chức đã thu hút hàng triệu lượt khách trong nước và quốc tế.
Tại Ninh Thuận cũ, tỉnh đặt mục tiêu tăng trưởng GRDP 13% cho cả năm. 6 tháng đầu năm 2025, GRDP ước đạt gần 13.923 tỷ đồng, tăng 9,49%. Các ngành chủ lực đều tăng trưởng ổn định: công nghiệp – xây dựng tăng 12,43%; nông – lâm – thủy sản tăng 6,2%; dịch vụ tăng 8,91%. Tổng thu ngân sách đạt 3.445 tỷ đồng, tăng gần 43% so với cùng kỳ. Du lịch ghi nhận 2,29 triệu lượt khách, tăng 16,2%.
Kỳ vọng vào một Khánh Hòa mới bứt phá
Với diện tích tự nhiên lớn hơn, hệ thống đô thị đa dạng, nguồn lực kinh tế tổng hợp, Khánh Hòa sau sáp nhập đang hội tụ đầy đủ điều kiện để trở thành “đầu tàu” phát triển khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ. Đặc biệt, việc hợp nhất không chỉ mở rộng không gian địa lý, mà còn giúp kết nối tốt hơn hạ tầng, kinh tế, văn hóa giữa hai vùng có nhiều điểm tương đồng về lịch sử và truyền thống.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa – ông Nghiêm Xuân Thành khẳng định: “Sau hợp nhất, Khánh Hòa có không gian và cơ hội to lớn để hội tụ sức mạnh tổng lực, tăng tốc và phát triển bứt phá, trở thành thành phố trực thuộc Trung ương có quy mô lớn hơn theo Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị”.
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Trần Quốc Nam cho biết: tỉnh đặt mục tiêu tăng trưởng GRDP “hai con số” cho năm 2025, với các giải pháp cụ thể: đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; thu hút đầu tư ngoài ngân sách; phát triển khu đô thị – khu công nghiệp; mở rộng nguồn thu từ thương mại điện tử, logistics và dịch vụ biển; kích cầu tiêu dùng nội địa và du lịch; thúc đẩy chuyển đổi số, cải cách hành chính và hiệu quả công vụ.
![]() |
Vịnh Vân Phong sẽ là động lực cho sự phát triển của tỉnh Khánh Hòa mới. |
Tái định hình không gian quy hoạch và chiến lược phát triển
Ngay sau khi sáp nhập, tỉnh đang khẩn trương điều chỉnh Quy hoạch tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 2021–2030, tầm nhìn đến năm 2050. Việc rà soát toàn diện nhằm đảm bảo tính thống nhất trong định hướng phát triển không gian, kết cấu hạ tầng, phân bố dân cư, ngành nghề, khai thác tài nguyên và thu hút đầu tư.
Tỉnh cũng đặt mục tiêu phủ kín 100% quy hoạch phân khu đô thị, khu công nghiệp, du lịch, nông nghiệp công nghệ cao trong năm 2025 – làm cơ sở đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư chiến lược.
Vịnh Vân Phong, Cảng biển Cà Ná, Bãi biển Bình Sơn – Ninh Chử, vùng năng lượng tái tạo Ninh Thuận, vùng du lịch quốc gia Bắc bán đảo Cam Ranh, cùng hàng loạt dự án kết nối giao thông, logistics, năng lượng sạch… sẽ trở thành các cực tăng trưởng mới, đóng vai trò “xương sống” trong chiến lược phát triển Khánh Hòa mở rộng.
Tầm nhìn xa, ý chí lớn
Phát biểu tại phiên họp của Quốc hội, ông Nguyễn Khắc Định – Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nhận định: “Việc sáp nhập Khánh Hòa và Ninh Thuận không chỉ là hành chính, mà là một quyết sách chiến lược để đánh thức tiềm năng, mở rộng không gian phát triển, kiến thiết một vùng đất giàu truyền thống, có bản sắc, có khát vọng và hoài bão lớn”.
Từ quyết tâm chính trị đến hành động cụ thể, Khánh Hòa mới đang hiện thực hóa khát vọng xây dựng một thành phố trực thuộc Trung ương năng động, hiện đại và phồn vinh vào năm 2030 – như mục tiêu Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị đã đặt ra.
Nguồn: baokhanhhoa.vn