Diện mạo mới cho một trung tâm kinh tế biển - núi
Việc hợp nhất hai tỉnh Khánh Hòa và Ninh Thuận không chỉ đơn thuần là một bước đi hành chính, mà còn là chiến lược quy hoạch vùng đầy tham vọng nhằm tái cấu trúc toàn diện kinh tế khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ. Theo nghị quyết đã thông qua, tỉnh Khánh Hòa mới sẽ có diện tích hơn 8.500 km², dân số trên 2,2 triệu người, cùng 65 đơn vị hành chính trực thuộc – đáp ứng vượt tiêu chuẩn theo quy định.
![]() |
Một góc thành phố biển Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa |
Đây là hai tỉnh có nhiều điểm tương đồng về địa lý, khí hậu, văn hóa và tiềm năng kinh tế – từ biển đảo du lịch đến năng lượng tái tạo, từ nông nghiệp công nghệ cao đến hệ thống cảng biển chiến lược.
Mở rộng không gian kinh tế, đồng bộ hạ tầng vùng
Sự sáp nhập sẽ cho phép tích hợp và mở rộng chuỗi giá trị vùng:
- Vùng biển Nha Trang – Vĩnh Hy – Ninh Chữ hình thành một tuyến du lịch ven biển sôi động, xuyên suốt.
- Hệ thống giao thông dọc tuyến ven biển Cam Lâm – Cam Ranh – Phan Rang sẽ trở thành trục phát triển chiến lược, kết nối các khu công nghiệp, khu kinh tế và đô thị du lịch ven biển.
Ông Nguyễn Tấn Tuân – Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa nhấn mạnh: “Việc hợp nhất sẽ giúp gia tăng quy mô tổng sản phẩm, lan tỏa chuỗi giá trị kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư và tinh gọn bộ máy hành chính”.
![]() |
Nghề nuôi tôm hùm tại đảo Bình Ba, thành phố Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa |
Liên kết thế mạnh – thúc đẩy nông, thủy sản và du lịch
Sự kết hợp giữa vùng biển giàu tài nguyên của Khánh Hòa và nền nông nghiệp thích ứng khí hậu của Ninh Thuận tạo ra cơ hội mở rộng sản xuất, tiêu thụ nông – thủy sản quy mô lớn. Bà Nguyễn Thị Lan, hộ kinh doanh thủy sản tại Cam Ranh chia sẻ: “Việc vận chuyển, tiêu thụ hàng hóa sẽ linh hoạt hơn nhiều nếu hai tỉnh thành một khối thống nhất”.
Về du lịch, sự sáp nhập giúp tạo ra sản phẩm trải nghiệm đa dạng – từ biển đảo đến sa mạc, từ thành phố biển Nha Trang đến đồng cỏ và trang trại năng lượng ở Ninh Thuận. “Du khách sẽ không dừng lại ở Nha Trang, mà sẽ đi tiếp đến những nơi ít người biết như đồi cát Sơn Hải, cánh đồng điện gió, Vĩnh Hy hay làng nho Thái An”, chị Kim Yến – chủ homestay tại Phan Rang kỳ vọng.
![]() |
Thành phố Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận |
Tăng tốc phát triển công nghiệp xanh và năng lượng sạch
Sau khi sáp nhập, Khánh Hòa mới sẽ tiếp tục kế thừa và mở rộng các chính sách đặc thù. Địa phương kỳ vọng phát triển thành trung tâm năng lượng tái tạo, công nghiệp phụ trợ và công nghệ cao. Nhiều đề xuất đã được gửi lên Trung ương như:
- Tiếp tục quy hoạch điện khí LNG Vân Phong 2
- Hồi phục dự án điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2
- Phát triển trung tâm dữ liệu quốc gia và trung tâm sản xuất chip, AI tại vùng Nam Trung Bộ
Ông Trần Văn Bình, người dân Phan Rang, tin tưởng: “Đây không chỉ là thay đổi tên gọi địa giới mà là bước chuyển mình lớn để cả vùng vươn xa hơn về công nghệ và hạ tầng hiện đại”.
![]() |
Khu vực thôn Thái An, xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận - nơi dự kiến đặt Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2 |
Tạo nền tảng vững chắc cho tương lai
Bên cạnh những cơ hội, việc hợp nhất cũng đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ từ hai địa phương trong việc đồng bộ hóa quy hoạch, sắp xếp nhân sự, hệ thống quản lý và đảm bảo sự ổn định xã hội. Tuy nhiên, với sự vào cuộc đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, đây được xem là bước đi chiến lược, tạo “cú hích” dài hạn cho một trung tâm kinh tế biển – công nghiệp – năng lượng tái tạo quy mô quốc gia.
Đăng nhận xét