Với mong muốn quảng bá, bảo tồn văn hóa Chăm và sự ra đời của nghề làm gốm, Hợp tác xã Sản xuất – Thương mại – Dịch vụ gốm Bàu Trúc ở thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, Ninh Thuận đã tái hiện không gian văn hóa gốm Chăm.
Cảnh vật đơn sơ, mộc mạc nhưng được bài trí khoa học đã mang đến cho du khách những trải nghiệm thú vị của nghề làm gốm và hiểu thêm về văn hóa Chăm.
Hợp tác xã Sản xuất – Thương mại – Dịch vụ gốm Bàu Trúc, thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, Ninh Thuận tái hiện không gian làm gốm Chăm. |
Căn nhà lợp tranh, vách trét bùn trộn rơm đầy những vết chân chim hằn lên màu thời gian. Đầu hè là một chiếc lu nhỏ đựng nước được đặt dưới gốc cây khế. Cạnh đó là chiếc xe đạp cũ, thân xe được gia cố bằng những thanh sắt, phía sau gắn 2 chiếc giỏ tre chở đầy sản phẩm gốm.
Dưới mái hiên nhà, các bà, các chị đang nhào đất nặn gốm. Không gian làm gốm Chăm được tái hiện đã thu hút đông du khách.
Du khách thích thú được trải nghiệm quy trình nhào đất, tạo hình sản phẩm gốm tại làng gốm Bàu Trúc, thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, Ninh Thuận. |
Tiếp đến, du khách được những người làm gốm hướng dẫn quy trình nhào đất, tạo hình sản phẩm gốm. Du khách trực tiếp tự tay mình nặn gốm. Trải nghiệm không gian văn hóa Chăm và quá trình hình thành nghề gốm mang đến cho du khách nhiều cảm xúc.
Tái hiện không gian văn hóa gốm Chăm là cách làm hay để giúp du khách hiểu hơn về nghề làm gốm. Một câu chuyện kể bằng hình ảnh mộc mạc nhưng mang đến cho du khách trải nghiệm thú vị. Đây chính là cách mà người làm gốm Bàu Trúc bảo tồn, phát huy giá trị độc đáo của nghề gốm và nét đặc trưng của văn hóa Chăm.