Sau 12 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận được cải thiện đáng kể; hệ thống kết cấu hạ tầng được tập trung đầu tư, nâng cấp theo hướng hiện đại, tăng tính kết nối, đa mục tiêu tạo động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW, ngày 16/01/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại; Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình hành động số 145-CTr/TU nhằm cụ thể hóa triển khai thực hiện phù hợp với tình hình thực tế.
Các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể đã tổ chức học tập, quán triệt, tuyên truyền nghiêm túc Nghị quyết số 13-NQ/TW, Chương trình hành động số 145-CTr/TU cho cán bộ, đảng viên và quần chúng; toàn tỉnh mở được 239 lớp cho 24.109 cán bộ, đảng viên, công chức, quần chúng cốt cán và 98,5% sỹ quan, cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang tham gia nghiên cứu, học tập, quán triệt nghị quyết; trong đó, số đảng viên tham gia là 14.677/15.214 đảng viên, đạt 96,5%; quần chúng cốt cán là 9.432 người.
Tỉnh đã tranh thủ sự hỗ trợ từ ngân sách Trung ương, bố trí từ nguồn vốn ngân sách tỉnh với tổng vốn 25.709 tỷ đồng và các nguồn vốn huy động khác đầu tư kết cấu hạ tầng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; các công trình trọng điểm về giao thông, thủy lợi, cấp thoát nước và các công trình văn hóa - xã hội thiết yếu được triển khai đầu tư, trong đó có một số dự án quy mô lớn đã hoàn thành.
Hệ thống giao thông đồng bộ, theo hướng hiện đại tạo thành mạng lưới giao thông hợp lý, tính kết nối cao, tạo động lực lan tỏa để thúc đẩy các ngành, lĩnh vực, vùng động lực phát triển. Đến cuối năm 2023, đã xây dựng mới hơn 370 km đường giao thông tuyến tỉnh, liên huyện; 105,8 km tuyến đường ven biển từ Bình Tiên đến Cà Ná góp phần hoàn thành cơ bản về cơ sở hạ tầng giao thông, phá thế chia cắt giữa các vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh; đẩy nhanh tiến độ dự án Đường nối từ thị trấn Tân Sơn, huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận đi ngã tư Tà Năng, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng, kết nối 03 tỉnh Lâm Đồng - Ninh Thuận - Khánh Hòa, phá thế chia cắt giữa các vùng kinh tế trọng yếu của các tỉnh trong vùng; tỉnh đã chủ động kiến nghị và được Thủ tướng Chính phủ đưa Cảng hàng không Thành Sơn vào danh mục Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Về hạ tầng cung cấp điện, đến hết năm 2023, trên địa bàn tỉnh đã đầu tư và đưa vào vận hành thương mại (mặt trời, gió, thuỷ điện) với 56 dự án/3.669,9 MW, ngành năng lượng đóng góp quan trọng, khẳng định là động lực cho tăng trưởng kinh tế tỉnh, góp phần đưa Ninh Thuận là một trong những tỉnh có tốc độ tăng trưởng GRDP cao nhất cả nước. Tỷ trọng lĩnh vực năng lượng chiếm 22,2% GRDP và chiếm 75,1% trong ngành công nghiệp, xây dựng, góp phần nâng cơ cấu ngành công nghiệp - xây dựng tăng từ 19% năm 2015 lên 39,8% năm 2023; đóng góp 23,5% tổng thu ngân sách; giải quyết việc làm khoảng 4.150 lao động, chiếm 1,8% nhu cầu lao động trong 4 ngành kinh tế trọng điểm của tỉnh.
Điện gió Trung Nam tại huyện Thuận Bắc. Ảnh: TTXVN |
Các công trình thuỷ lợi trọng điểm được ưu tiên đầu tư theo hướng liên thông, đa mục tiêu nâng cao năng lực tưới, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, trong hơn 10 năm qua, đã đầu tư 11 hồ chứa nước với dung tích 370,75 triệu m3, nâng tổng số lên 22 hồ chứa/dung tích 414,29 triệu m3, nổi bật là dự án Hệ thống thuỷ lợi Tân Mỹ có dung tích 219 triệu m3, đảm bảo nguồn nước tưới cho 7.480 ha đất canh tác nông nghiệp, trong đó vùng miền núi hơn 1.600 ha. Đầu tư đồng bộ 355,2 km kênh cấp II, III, phát huy tốt hơn hiệu quả các hồ đập; nâng tổng số diện tích chủ động nước đến cuối năm 2023 đạt 62,38%; đầu tư trên 26,6 km đê, kè chống sạt lỡ ở vùng xung yếu, ven biển, ven sông giảm đáng kể tình trạng xâm nhập mặn, giữ ngọt do ảnh hưởng của thủy triều, góp phần công tác chống hạn.
Hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị, nhất là tại các khu đô thị mới từng bước được đầu tư, hoàn thiện theo hướng hiện đại hoá, đồng bộ, hình thức đầu tư đa dạng. Nhiều công trình tuyến chính ra vào thành phố, các trục giao thông hướng tâm được đầu tư xây dựng; đến năm 2023 toàn tỉnh có 290 tuyến đô thị với tổng chiều dài 339,3 km. Diện mạo đô thị có nhiều thay đổi, kết cấu hạ tầng cơ bản hoàn chỉnh. Đã thu hút phát triển các khu đô thị mới như: Khu đô thị mới K1, K2, Khu dân cư D2-D7, Khu đô thị Đầm Cà Ná, Khu đô thị Phủ Hà, sông Dinh... đồng thời triển khai thực hiện các Đề án phát triển nhà ở xã hội bước đầu đạt kết quả góp phần giải quyết nhu cầu về nhà ở cho người dân.
Kết cấu hạ tầng khu, cụm công nghiệp được quan tâm triển khai, ngày càng hoàn thiện. Đến nay, đã hình thành 04 khu công nghiệp và 04 cụm công nghiệp, với tổng diện tích trên 1.870 ha. Hạ tầng thương mại được chú trọng phát triển, mạng lưới kinh doanh ngày càng mở rộng với nhiều phương thức kinh doanh văn minh, hiện đại với 01 trung tâm thương mại, 05 siêu thị, 103 chợ, 130 cửa hàng xăng dầu, 34 cửa hàng tiện lợi đáp ứng tốt hơn nhu cầu tiêu dùng của Nhân dân.
Về hạ tầng giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, tỉnh đã huy động từ nhiều nguồn vốn đầu tư cơ sở vật chất trường lớp các cấp học theo hướng kiên cố hóa và đạt chuẩn quốc gia; đầu tư xây dựng mới, nâng cấp phòng học, đến cuối năm 2023 toàn tỉnh có 297 trường, tăng 69 trường so năm 2011. Mạng lưới dạy nghề được đầu tư mở rộng theo hướng xã hội hóa, toàn tỉnh có 19 cơ sở dạy nghề, trong đó: có 12 cơ sở công lập và 7 cơ sở ngoài công lập; 02 phân hiệu đại học; 01 trường Cao đẳng sư phạm và 02 trường Trung cấp chuyên nghiệp.
Về hạ tầng y tế, trong hơn 10 năm qua, nhiều bệnh viện tuyền tỉnh, tuyến huyện, phòng khám đa khoa khu vực, mạng lưới y tế cơ sở được đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, đã đầu tư hoàn thành bệnh viện đa khoa tỉnh quy mô 500 giường và tiếp tục đầu tư nâng cấp quy mô 1.000 giường; nâng cấp hệ thống trang thiết bị bệnh viện tuyến tỉnh và huyện; nâng cấp các Trạm y tế xã phường, các phòng khám đa khoa khu vực, cải tạo nâng cấp Bệnh viện Lao, bệnh phổi, Bệnh viện chuyên khoa da liễu tâm thần. Đến cuối năm 2023, tỷ lệ giường bệnh tăng khá, đạt 31,2 giường bệnh/10.000 dân; có 96,9% xã, phường đạt chuẩn quốc gia về y tế; công tác xã hội hóa trong lĩnh vực y tế được quan tâm, đầu tư hoàn thành đưa vào sử dụng Bệnh viện Sài Gòn - Phan Rang.
Bệnh viên Đa khoa tỉnh Ninh Thuận. |
Công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá dân tộc ngày càng được chú trọng; đến nay, toàn tỉnh có 239 di tích văn hóa, trong đó có 7 di sản cấp quốc gia. Hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật ngành du lịch ngày càng được hoàn thiện, số lượng cơ sở phục vụ du lịch ngày càng tăng, chất lượng được nâng lên, các loại hình dịch vụ, vui chơi giải trí được quan tâm đầu tư phát triển phong phú; toàn tỉnh có 210 cơ sở lưu trú với 4.593 phòng, nổi bật là khu nghỉ dưỡng cao cấp Amanơi Ninh Thuận được Tạp chí Condé Nast Traveler của Mỹ bình chọn thuộc top 33 khách sạn, khu nghỉ dưỡng đẹp nhất thế giới năm 2014.
Dù đạt được nhiều thành tựu quan trọng, nhưng Ninh Thuận vẫn là một trong những tỉnh chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu lớn nhất cả nước, tình hình khô hạn kéo dài, quy mô nền kinh tế nhỏ, đời sống Nhân dân vùng nông thôn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao. Nguồn vốn đầu tư phát triển của tỉnh còn nhiều hạn chế, chủ yếu dựa vào hỗ trợ của ngân sách Trung ương. Kết cấu hạ tầng tuy được quan tâm đầu tư nhưng nhiều lĩnh vực còn chưa đồng bộ, nhất là hạ tầng giao thông một số tuyến giao thông huyết mạch, hạ tầng về cảng biển mới triển khai bước đầu chưa tạo động lực đột phá.
32 năm qua, từ một tỉnh mới tái lập còn khó khăn, thiếu thốn mọi mặt, đến nay, tỉnh Ninh Thuận đã đạt được những thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực, trong đó kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước được đầu tư ngày càng đồng bộ, tạo đà cho sự phát triển đi lên của tỉnh trong tương lai.