Sau 15 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 38-CT/TW, ngày 01/9/2009 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa X về “Đẩy mạnh công tác bảo hiểm y tế trong tình hình mới”; với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, công tác thực thi chính sách bảo hiểm y tế trên địa bàn tỉnh đã đạt nhiều thành tựu quan trọng, đặc biệt trong công tác phát triển đối tượng tham gia với độ bao phủ bảo hiểm y tế ngày càng cao; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế năm 2023 đạt 94,7%, tăng gấp hơn 2 lần so với năm 2009.
Thẻ bảo hiểm y tế. Hình minh hoạ. |
Nhận thức rõ bảo hiểm y tế là một chính sách xã hội quan trọng, mang ý nghĩa nhân đạo và có tính chia sẻ cộng đồng sâu sắc; đồng thời xác định đây là một trong những vấn đề quan trọng cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội để xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhanh và bền vững; thực hiện Chỉ thị 38-CT/TW của Ban Bí thư, Ban thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị 03-CT/TU về chỉ đạo triển khai thực hiện trong toàn Đảng bộ tỉnh. Ngày 31/01/2013, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tiếp tục ban hành Chỉ thị số 39-CT/TU về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế giai đoạn 2013-2020.
Cùng với đó, Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành các nghị quyết quy định mức hỗ trợ thêm cho các đối tượng thuộc hộ cận nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số khó khăn tham gia bảo hiểm y tế…; đồng thời chỉ đạo Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp đưa chỉ tiêu phát triển bảo hiểm y tế vào nghị quyết, kế hoạch, chương trình phát triển kinh tế - xã hội hàng năm; Ủy ban nhân dân tỉnh cụ thể hóa thành các quy định, đồng thời phân công, giao nhiệm vụ các sở, ban, ngành và các huyện, thành phố tổ chức triển khai thực hiện.
Bảo hiểm xã hội tỉnh tổ chức đối thoại với công nhân lao động về chính sách BHXH, BHYT. |
Công tác quán triệt, phổ biến, tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước được các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể và các cơ quan, doanh nghiệp trong tỉnh quan tâm triển khai thực hiện với nhiều hình thức phong phú, đa dạng: Thông qua hội nghị, hội thảo, tập huấn, đối thoại trực tiếp; tuyên truyền trên báo, đài, các phương tiện thông tin đại chúng và Cổng thông tin điện tử; tổ chức các hoạt động tuyên truyền trực quan, lưu động, cổ động, qua hệ thống loa truyền thanh cơ sở, các sản phẩm truyền thông, hoạt động thiện nguyện, sơ kết, tổng kết các hoạt động truyền thông, bồi dưỡng, tập huấn;…
Thông qua đó, nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền và Nhân dân về vai trò, tầm quan trọng của BHYT dần được nâng lên; người dân nhận thấy được ý nghĩa thiết thực của tham gia BHYT với bản thân, gia đình và xã hội, quyền lợi của BHYT mang lại ngày càng được bảo đảm và nâng cao hơn, chính sách BHYT đã thực sự đi vào cuộc sống và khẳng định được vai trò là một trong những trụ cột chủ yếu của hệ thống chính sách an sinh xã hội.
Công tác quản lý nhà nước về bảo hiểm y tế và quỹ bảo hiểm y tế được tăng cường, tỉnh đã ban hành nhiều văn bản để chỉ đạo và hướng dẫn thực hiện công tác quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm y tế theo đúng Luật Bảo hiểm y tế; các văn bản được ban hành kịp thời, phù hợp với thực tiễn địa phương, tháo gỡ được khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện bảo hiểm y tế tại các địa phương, nhất là việc hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế cho một số đối tượng từ nguồn ngân sách của địa phương, công tác tuyên truyền, mở rộng diện bao phủ bảo hiểm y tế.
Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Thuận. |
Chất lượng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế ngày được nâng lên, cơ bản đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh ban đầu của Nhân dân. Toàn tỉnh hiện có 79 cơ sở y tế khám chữa bệnh bảo hiểm y tế; các cơ sở y tế được quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác khám chữa bệnh; đội ngũ cán bộ, bác sĩ, nhân viên y tế được thường xuyên đào tạo, tập huấn, nâng chất lượng, trình độ cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Công tác cải cách thủ tục hành chính trong khám chữa bệnh bảo hiểm y tế đã có chuyển biến tích cực, các bệnh viện đã củng cố, sắp xếp lại các khoa, phòng, tăng cường nhân lực tại các khâu tiếp đón bệnh nhân; khu khám bệnh, lấy mẫu xét nghiệm, thu viện phí, cấp phát thuốc...
Công khai thời gian, quy trình khám bệnh, bảng giá viện phí, đối tượng ưu tiên; có sơ đồ khoa khám chữa bệnh. Các cơ sở khám chữa bệnh đã triển khai áp dụng công nghệ thông tin trong khám chữa bệnh và thanh, quyết toán; triển khai thí điểm dùng thẻ căn cước công dân gắn chíp khám chữa bệnh bảo hiểm y tế thay thẻ bảo hiểm y tế giấy; do vậy công tác quản lý khám chữa bệnh bảo hiểm y tế được thực hiện tốt và thuận lợi hơn cho người bệnh, giảm thời gian chờ đợi cho người bệnh. Các bệnh viện đều có thông báo số điện thoại đường dây nóng; thực hiện đúng chế độ, giải quyết tốt các vướng mắc nhằm tạo niềm tin cho nhân dân khi tham gia khám chữa bệnh bảo hiểm y tế.
Năm 2023, đã giải quyết cho 1.410.554 lượt người khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2022; chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế là 636.220 triệu đồng, tỷ lệ chi là 106,34% so với dự toán chi Chính phủ giao năm 2023, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2022, cụ thể: khám chữa bệnh ngoại trú 1.323.442 lượt với số tiền là 324.910 triệu đồng; khám chữa bệnh nội trú 87.112 lượt với số tiền là 311.310 triệu đồng.
Với việc triển khai hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền và tăng cường công tác quản lý nhà nước thực hiện chính sách bảo hiểm y tế trên địa bàn tỉnh trong những năm qua đã góp phần nâng tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế hàng năm. Kết quả, sau 15 năm thực hiện Chỉ thị 38-CT/TW, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế tăng từ 46,29% (năm 2009) lên 94,7% (năm 2023), tăng gấp 2 lần so với năm 2009.
Bên cạnh kết quả đạt được, công tác bảo hiểm y tế trên địa bàn tỉnh còn có những khó khăn, hạn chế như: Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế ở nhóm đối tượng tự đóng còn thấp, nhất là học sinh, hộ gia đình, hộ cận nghèo, người lao động ở các doanh nghiệp. Những tác động ảnh hưởng khi triển khai thực hiện Quyết định số 861/QĐ-TTg, ngày 04/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách các xã khu vực III, II, I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025; các xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới thì người dân không còn được ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí mua thẻ bảo hiểm y tế. Ý thức tuân thủ pháp luật về bảo hiểm y tế của nhiều chủ sử dụng lao động còn hạn chế, né tránh đóng bảo hiểm y tế cho người lao động; một bộ phận người dân còn trông chờ, ỷ lại vào chính sách nhà nước hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế như trước đây nên chưa chủ động để tham gia bảo hiểm y tế…
Thời gian tới, để tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả chính sách bảo hiểm y tế toàn dân trên địa bàn tỉnh cần tiếp tục thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau:
Thứ nhất, các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể các cấp trong tỉnh cần tăng cường công tác phổ biến, tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, ý nghĩa bảo hiểm y tế, đẩy mạnh tuyên truyền mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm y tế, hướng tới bảo hiểm y tế toàn dân.
Thứ hai, tiếp tục nâng cao công tác chăm sóc sức khoẻ cho Nhân dân, chú trọng chất lượng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, thực hiện tốt các chế độ, chính sách bảo hiểm y tế đảm bảo quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm y tế.
Thứ ba, tăng cường đổi mới công tác truyền thông chính sách bảo hiểm y tế, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm ổn định an ninh - chính trị và phát triển bền vững kinh tế - xã hội góp phần hoàn thành nhiệm vụ chính trị của Đảng và Nhà nước giao về lĩnh vực bảo hiểm y tế...