Ông Lê Kim Hoàng, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Ninh Thuận, cho biết quy hoạch tỉnh Ninh Thuận thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 bố trí lại không gian, lãnh thổ để khai thác các nguồn lực, tiềm năng thế mạnh của tỉnh theo vùng. Quy hoạch này sẽ được chính thức công bố ngày 28-4 kết hợp hội nghị xúc tiến đầu tư.
Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam là cực tăng trưởng mới
Theo ông Lê Kim Hoàng, quy hoạch lần này tổ chức các hoạt động kinh tế xã hội tỉnh Ninh Thuận theo bốn vùng lãnh thổ gồm: vùng trung tâm là TP Phan Rang – Tháp Chàm và vùng phụ cận; vùng phía bắc là huyện Thuận Bắc và Ninh Hải; vùng phía tây là huyện Ninh Sơn và Bác Ái và vùng phía nam là huyện Ninh Phước và Thuận Nam.
Ông Lê Kim Hoàng,Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Ninh Thuận, thông tin về quy hoạch tỉnh Ninh Thuận. Ảnh: H.H |
Quy hoạch xác định ba hành lang kinh tế: đường ven biển, cao tốc và trục đông tây. Ba vùng động lực phát triển; trong đó vùng đô thị động lực Phan Rang - Tháp Chàm phát triển tổng hợp đa ngành.
Vùng kinh tế trọng điểm phía nam ưu tiên phát triển công nghiệp, cảng biển, năng lượng và du lịch. Vùng phát triển phía tây là vùng phát triển thương mại, dịch vụ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, năng lượng và du lịch.
“Quy hoạch lần này cũng xác định vùng động lực, cực tăng trưởng mới là vùng kinh tế trọng điểm phía nam để phát huy lợi thế của tỉnh về cảng biển, trung tâm dịch vụ logistics, Khu công nghiệp, đô thị, du lịch, LNG Cà Ná, mục tiêu đến năm 2030 vùng động lực phía nam sẽ đóng góp 50-51% GRDP của tỉnh”- Giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Ninh Thuận thông tin.
Cảng tổng hợp Cà Ná nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam tỉnh Ninh Thuận. Ảnh: H.H |
Theo ông Hoàng, ngay sau khi quy hoạch được phê duyệt, tỉnh Ninh Thuận đã công bố nội dung cốt lõi, cơ bản của quy hoạch rộng rãi. Cùng với đó, tỉnh tiến hành xây dựng kế hoạch thực hiện quy hoạch, trong đó xác định rõ lộ trình, hướng đi phù hợp.
Đồng thời, ban hành các chương trình, đề án để tổ chức thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ mà quy hoạch đề ra. Tỉnh cũng phân công cụ thể trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để tạo ra sức mạnh tổng hợp.
Đường ven biển tỉnh Ninh Thuận. Ảnh: H.H |
Cùng với đó, tranh thủ tối đa sự ủng hộ của Trung ương để cụ thể hóa thành các cơ chế, chính sách phù hợp nhằm huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để thực hiện quy hoạch.
Rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục đầu tư
Ông Trương Văn Tiến, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch tỉnh Ninh Thuận (gọi tắt là Trung tâm), cho biết dự kiến tỉnh sẽ trao quyết định chủ trương đầu tư, ký bản ghi nhớ đối với 15 dự án tại hội nghị ngày 28-4.
Một góc TP Phan Rang - Tháp Chàm. Ảnh: H.H |
Trung tâm đã liên tục làm việc với các nhà đầu tư, rà soát sâu kỹ, cập nhật để lựa chọn, đảm bảo tính pháp lý. Đồng thời, ưu tiên các dự án có quy mô lớn, các dự án có động lực, quan trọng để quảng bá, thu hút và giới thiệu rộng rãi tiềm năng, lợi thế của tỉnh đến các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
"Ông Trương Văn Tiến: Rút ngắn tối đa thời gian thực hiện thủ tục để dự án được triển khai sớm nhất."
Đồng thời, Trung tâm đã phối hợp các doanh nghiệp tổ chức gian hàng xúc tiến đầu tư kết hợp trưng bày sản phẩm OCOP của tỉnh và trưng bày sơ đồ bản đồ về phân bổ, khoanh vùng đất đai, phát triển các ngành, lĩnh vực quan trọng như: khu, cụm công nghiệp, du lịch phát triển dải ven biển; cấp điện và năng lượng theo quy hoạch tỉnh để giới thiệu đến các doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Dưa lưới là sản phẩm OCOP của tỉnh Ninh Thuận. Ảnh: H.H |
Giám đốc Trung tâm khẳng định việc hỗ trợ, tạo điều kiện tốt nhất để doanh nghiệp, nhà đầu tư hoạt động tại tỉnh là ưu tiên hàng đầu. Trung tâm xác định phương châm hành động của "chuyên nghiệp, đồng hành, hiệu quả” để tiếp cận, hỗ trợ, tư vấn cho nhà đầu tư một cách bài bản, chuyên nghiệp.
Đặc biệt là luôn luôn đồng hành cùng nhà đầu tư trong hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc từ khi nghiên cứu ý tưởng, tìm hiểu khảo sát, đến khi hoàn thiện hồ sơ đủ điều kiện đầu tư dự án. Qua đó, nhằm rút ngắn tối đa thời gian thực hiện thủ tục để dự án được triển khai sớm nhất và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư an tâm thực hiện dự án, phát triển bền vững.
Cánh đồng điện năng lượng tái tạo ở Ninh Thuận. Ảnh: H.H |
Theo ông Tiến, Trung tâm được thành lập và đi vào hoạt động theo mô hình hợp nhất. Đây là yếu tố mang lại hiệu quả rất tích cực khi huy động, tập trung được nguồn lực và sử dụng hiệu quả cả về con người, kinh phí.
“Vừa qua, Trung tâm đã thực hiện nhiều chương trình kết hợp giữa xúc tiến đầu tư gắn với xúc tiến du lịch và cả thương mại. Do đó, các doanh nghiệp có thể đồng hành với Trung tâm để mang lại hiệu quả tích cực”- ông Trương Văn Tiến chia sẻ.
Phấn đấu đón 3,2 triệu khách du lịch
Ông Trương Văn Tiến cho biết năm 2024 Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch Ninh Thuận xây dựng kế hoạch tập trung thúc đẩy liên kết hợp tác giữa các doanh nghiệp du lịch, nâng cao chất lượng dịch vụ, giá trị sản phẩm du lịch; đẩy mạnh phối hợp liên vùng, liên địa phương, hình thành chuỗi giá trị, sản phẩm du lịch.
Ninh Thuận phấn đấu đón 3,2 triệu khách trong năm 2024. Ảnh: NÚI XANH Cùng với đó, tập trung triển khai các hoạt động xúc tiến du lịch, đẩy nhanh tốc độ phục hồi thị trường khách du lịch quốc tế. Đặc biệt là các thị trường: Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản....
Đồng thời, duy trì và cập nhật các hoạt động thông tin tuyên truyền quảng bá du lịch Ninh Thuận trong và ngoài tỉnh; quảng bá du lịch gắn với các hoạt động chính trị của tỉnh… phấn đấu năm 2024 đạt và vượt mục tiêu đón 3,2 triệu lượt khách.
Đồng thời, duy trì và cập nhật các hoạt động thông tin tuyên truyền quảng bá du lịch Ninh Thuận trong và ngoài tỉnh; quảng bá du lịch gắn với các hoạt động chính trị của tỉnh… phấn đấu năm 2024 đạt và vượt mục tiêu đón 3,2 triệu lượt khách.
Đăng nhận xét