Tuy nhiên với khí hậu và chất đất đặc biệt, Phước Bình lại là vùng đất thích nghi với nhiều loại cây ăn trái, đặc biệt là cây bưởi da xanh. Vì vậy, năm 2020 lần đầu tiên cây bưởi da xanh đã được Đảng ủy xã Phước Bình, huyện Bác Ái, Ninh Thuận đưa vào Nghị quyết để định hướng ưu tiên phát triển trở thành cây trồng chủ lực ở địa phương.
Tiên phong trồng 260 gốc bưởi da xanh cách đây 4 năm, đến nay, gia đình ông Pi Năng Thiêng ở thôn Hành Rạc 1, xã Phước Bình, huyện Bác Ái, Ninh Thuận đã có vườn bưởi xum xuê, tạo nguồn thu mỗi năm khoảng 200 triệu đồng. Mới đây, ông Thiêng còn tìm tòi, nghiên cứu và thực hiện thành công kỹ thuật cắt lớp khoanh vỏ, làm cho cây bưởi thay vì vươn cao sẽ tạo tán rộng, quả sai và tránh đổ, ngã khi gặp giông, lốc.
Một vườn trồng Bưởi ở Phước Bình, Bác Ái (Ninh Thuận). |
Với kinh nghiệm từ bản thân, ông Thiêng đã vận động con cháu trong nhà và bà con địa phương tận dụng tối đa đất đai quanh nhà và các vùng đất dốc lâu nay trồng bắp, trồng đậu kém hiệu quả chuyển sang trồng cây ăn trái, đặc biệt là bưởi da xanh.
Đến nay, xã Phước Bình, huyện Bác Ái, Ninh Thuận đã phát triển được vùng cây ăn trái gần 950ha. Trong đó, cây chuối 655ha, bưởi da xanh 189ha và sầu riêng, chôm chôm, cam, quýt trên 100ha. Nhận định về lợi thế phát triển vùng cây ăn trái, năm 2020 lần đầu tiên cây bưởi da xanh đã được đảng ủy xã Phước Bình đưa vào Nghị quyết để định hướng ưu tiên phát triển trở thành cây trồng chủ lực.
Với diện tích đang cho thu hoạch, bưởi da xanh, sầu riêng và chuối đã giúp xã Phước Bình, huyện Bác Ái, Ninh Thuận cung cấp ra thị trưởng trên 15.800 tấn/năm và tạo giá trị sản xuất gần 150 tỷ đồng. Toàn xã có khoảng 1.700ha đất sản xuất, theo định hướng của Nghị quyết mới, xã Phước Bình đang phấn đấu giảm diện tích trồng bắp và chuối để tạo ra vùng bưởi, sầu riêng chuyên canh từ 500 - 800ha trong những năm tới.
Hữu Tầm
Đăng nhận xét