Làng gốm bàu Trúc Ninh Thuận thuộc thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận. Ngôi làng này là một trong số những ngôi làng cổ bậc nhất ở Ninh Thuận, cũng là ngôi làng nổi tiếng với các sản phẩm gốm thủ công và kỹ thuật nung gốm độc đáo. Gốm Bàu Trúc được ngợi ca là sản phẩm thủ công mang nét đặc trưng không lẫn với gốm nơi khác của tỉnh Ninh Thuận.
Nguyên liệu làm gốm của người Chăm làng Bàu Trúc là: đất sét, cát, nước ngọt trong đó đất sét ở làng Bàu Trúc với độ kết dính đặc biệt, một chất liệu đặc biệt để chế tác sản phẩm gốm Bàu Trúc.
Để tạo hình sản phẩm gốm, nghệ nhân phải thực hiện qua các quy trình cơ bản như làm đất, tạo dáng, nung gốm nhưng để tạo hình gốm thì không thể bỏ qua khâu chọn nguyên liệu. Một yếu tố tạo nên chất nghệ thuật của gốm Bàu Trúc nằm công đoạn tạo dáng. Tạo dáng gốm gồm: nặn hình, trang trí, miết láng và tu sửa gốm.
Từ một khối đất người thợ gốm Bàu Trúc sẽ nặn, tạo hình thành nhiều loại sản phẩm khác nhau như: Hình tháp Chăm, tượng vũ nữ Apsara sinh động, những cô gái Chăm đội nước duyên dáng, hay những vật dụng trong cuộc sống thường nhật... Sau khâu tạo dáng là khâu trang trí những hoa văn, các hoa văn chính có hình sóng nước, hình tam giác, tứ giác, hình vuông hay tròn, hình trăng khuyết, hình xoắn, hình cây, hình que, hoa lá, hoa văn chữ S, vỏ sò, ốc, hoặc những hoa văn hình hoa lá cách điệu.
Nghệ thuật rắc màu lên áo gốm là cách thức tự do và ngẫu nhiên nhất, bởi vậy gốm Bàu Trúc được trang trí bằng sắc màu rất lạ, rất sống động.
Các nghệ nhân làng Gốm Bàu Trúc giới thiệu quy trình làm gốm thủ công. Ảnh: T Bình. |
Bố cục trên các tác phẩm gốm thể hiện tự nhiên, phóng khoáng, tối giản. Hoa văn thường trang trí ở vai gốm, hoặc tạo đường viền ở vai và gần đáy gốm, hiếm khi họ trang trí toàn than gốm. Theo các nghệ nhân người Chăm làng Bàu Trúc là cộng đồng người Chăm Ahier, họ kiêng kỵ vẽ hoa văn hình động vật, hình người trên gốm bởi quan niệm hỏa táng (nghi thức trong lễ tang của người Chăm Bàlamôn). Gốm Bàu Trúc được nung lộ thiên nên trước khi xếp gốm, người thợ phải xếp các nguyên liệu nung (củi, rơm, trấu) thành những lớp nền nhất định. Những kỹ thuật này vừa quyết định chất lượng của sản phẩm gốm vừa khẳng định những giá nghệ thuật thể hiện trên gốm.
Nghề gốm có vị trí quan trọng đối với người dân làng Bàu Trúc bởi các giá trị: lịch sử, kinh tế, khoa học, văn hóa - xã hội và nghệ thuật. Do vậy, việc bảo tồn nghề gốm truyền thống vừa mang ý nghĩa kinh tế vừa là sự bảo tồn một trong những nghề thủ công truyền thống quan trọng của người Chăm ở tỉnh Ninh Thuận còn lại đến nay. Với những giá trị đặc sắc, nghệ thuật làm gốm truyền thống của người Chăm Bàu Trúc là dấu ấn của lịch sử, của văn hóa - xã hội, được cộng đồng người Chăm làng Bàu Trúc thừa nhận, bảo tồn và lưu giữ qua nhiều thế hệ, góp phần cho bức tranh văn hóa Chăm thêm đa dạng và lung linh sắc màu.