Đăng ký chỉ dẫn địa lý cho nha đam Ninh Thuận: nền tảng pháp lý để nâng cao thương hiệu, truy xuất nguồn gốc và mở rộng thị trường xuất khẩu.

Cây nha đam được đánh giá là đặc biệt phù hợp với khí hậu nắng gió, đất cát khô hạn của Ninh Thuận
Cây nha đam được đánh giá là đặc biệt phù hợp với khí hậu nắng gió, đất cát khô hạn của Ninh Thuận. Ảnh: HT.

Khi thương hiệu là “điểm tựa” cho cây trồng chủ lực

Năm 2019, nha đam Ninh Thuận được cấp văn bằng bảo hộ Nhãn hiệu chứng nhận, là một trong 12 sản phẩm đặc thù của tỉnh. Tuy nhiên, việc khai thác tài sản trí tuệ này vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Sản xuất nhỏ lẻ, thiếu liên kết, quy trình canh tác chưa chuẩn hóa và cơ chế quản lý nhãn hiệu chưa chặt chẽ đang là những “điểm nghẽn” khiến sản phẩm này chưa vươn xa.

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu và thị trường ngày càng khắt khe, người nông dân trồng nha đam tại Ninh Thuận vẫn đối mặt nhiều rủi ro vì phụ thuộc vào thương lái, giá cả bấp bênh và thiếu một hệ thống tiêu thụ ổn định.

“Chỉ mong có thương hiệu rõ ràng, giá cả ổn định để chúng tôi yên tâm canh tác lâu dài,” anh Vũ Trọng Toàn, một nông dân trồng nha đam tại Văn Hải chia sẻ.

Bệ phóng từ nhà máy chế biến và thị trường quốc tế

Nhà máy chế biến nha đam của Công ty Cổ phần Thực phẩm Cánh Đồng Việt (VietFarm) hiện là đơn vị duy nhất tại địa phương, vận hành công suất khoảng 30.000 tấn nguyên liệu/năm, cung cấp sản phẩm đến hơn 20 quốc gia, bao gồm Nhật Bản, Hàn Quốc và nhiều nước châu Âu, Trung Đông.

Tiềm năng phát triển của cây nha đam tại Ninh Thuận vẫn chưa được khai thác hết
Tiềm năng phát triển của cây nha đam tại Ninh Thuận vẫn chưa được khai thác hết. Ảnh: HT.

Tuy nhiên, theo Giám đốc VietFarm – ông Nguyễn Đức Thuận, để phát triển bền vững, cần có hệ thống chỉ dẫn địa lý rõ ràng. Đây sẽ là cơ sở giúp xác định vùng trồng trọng điểm, phối hợp hiệu quả giữa doanh nghiệp và nông dân, bảo đảm nguồn nguyên liệu ổn định, từ đó nâng tầm sản phẩm nha đam Ninh Thuận trên thị trường quốc tế.

Chỉ dẫn địa lý – công cụ nâng cao giá trị sản phẩm

Tháng 12/2022, Viện Thổ nhưỡng Nông hóa được giao thực hiện nhiệm vụ “Đăng ký bảo hộ, quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm nha đam Ninh Thuận”. Hai sản phẩm trọng tâm gồm: lá nha đam tươi và thạch nha đam.

Theo bà Trần Thị Minh Thu, Phó Viện trưởng Viện Thổ nhưỡng Nông hóa, điều kiện tự nhiên đặc thù của Ninh Thuận như khí hậu khô hạn, đất cát pha, pH kiềm và khả năng thoát nước tốt là nền tảng để tạo nên chất lượng khác biệt cho nha đam. Bên cạnh đó, yếu tố con người – với kinh nghiệm trồng trọt và tri thức bản địa – chính là điểm cộng lớn trong hồ sơ chỉ dẫn địa lý.

Kết quả khảo sát cho thấy, tổng diện tích đề xuất bảo hộ chỉ dẫn địa lý là 862,95 ha, bao gồm các vùng trọng điểm tại TP Phan Rang – Tháp Chàm, Ninh Hải, Ninh Phước, Ninh Sơn, Thuận Bắc và Thuận Nam.

Xây dựng chỉ dẫn địa lý cho nha đam Ninh Thuận là nền tảng pháp lý quan trọng để sản phẩm vươn xa, từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương và quốc gia
Xây dựng chỉ dẫn địa lý cho nha đam Ninh Thuận là nền tảng pháp lý quan trọng để sản phẩm vươn xa, từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương và quốc gia. Ảnh: HT.

Tăng sức cạnh tranh, thúc đẩy phát triển bền vững

Ông Nguyễn Tấn Quang – Phó Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Ninh Thuận nhận định: “Chỉ dẫn địa lý không chỉ giúp nâng cao giá trị thương hiệu và truy xuất nguồn gốc, mà còn là công cụ bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, ngăn chặn hàng giả, hàng nhái, đồng thời tăng sức cạnh tranh trên cả thị trường nội địa và quốc tế.

Bên cạnh đó, hệ thống chỉ dẫn địa lý sẽ hỗ trợ việc chuẩn hóa quy trình sản xuất, kiểm soát chất lượng, bảo vệ danh tiếng sản phẩm – yếu tố sống còn để nha đam Ninh Thuận mở rộng vùng trồng, đẩy mạnh xuất khẩu và nâng cao thu nhập cho người dân địa phương.

Cây nha đam được đánh giá là đặc biệt phù hợp với khí hậu nắng gió, đất cát khô hạn của Ninh Thuận. Chính điều kiện tự nhiên khắc nghiệt lại là yếu tố tạo nên hàm lượng hoạt chất sinh học cao, giúp nha đam nơi đây có chất lượng vượt trội. Cùng với kinh nghiệm canh tác lâu năm của người dân và việc áp dụng quy trình VietGAP, GlobalGAP, vùng trồng nha đam Ninh Thuận ngày càng được chuyên môn hóa, đáp ứng yêu cầu thị trường.

Theo: nongnghiepmoitruong.vn